Nhà nông có đàn ‘trâu sắt’ trị giá hơn 3 tỉ đồng

Thứ Năm, 7 Tháng Ba, 2024 153 lượt xem Chia sẻ bài viết:

Đêm mồng hai Tết, tôi vẫn cày ở ngoài đồng do phải cố xong để hôm sau còn chuyển sang cánh đồng khác nhưng cơn buồn ngủ khiến tôi nằm gục bên vô lăng…

Vào nghề bằng sự tình cờ

“Tôi không dám tắt máy vì trời rét và cũng không dám ngả lưng vì làm thế sẽ ngủ quên luôn. Quãng hơn 3 giờ sáng nghe thấy tiếng nói chuyện của mấy anh quản lý hợp tác xã đi kiểm tra nước tôi mới tỉnh dậy, lại tiếp tục cày”, anh Nguyễn Văn Mỹ ở tổ dân phố Bắc Trung Nam, thị trấn Ninh Cường, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định kể lại.

Sinh năm 1976 nhưng tóc anh đã bạc lơ phơ, làn da ngấm sương gió, còn chị vợ sinh năm 1983 đang vần vô lăng cái máy cày, mặt mày lấm lem mà cười tươi như nắng mới. Dưới bàn tay điều khiển khéo léo của họ, hai con “trâu sắt” chạy song song lướt băng băng trên đồng. Dòng sóng bùn bên dưới bốn cái bánh lồng của chúng như là màu vẽ lên tấm toan khổng lồ của một bức tranh nghề nông thời hiện đại.

Ngày Tết nhưng vợ chồng anh Mỹ vẫn phải tranh thủ làm đất cho kịp thời vụ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Làm ruộng đối với anh Mỹ là một sự sắp đặt tình cờ của số phận. Trước đây, cả 5 anh em trong nhà đều “Nam tiến” để kiếm ăn, bản thân anh Mỹ cũng làm thợ sửa xe hơn 6 năm ở Bình Dương. Khi bố bị tai nạn, họ về nhà thăm, bàn với nhau rồi anh quyết định ở nhà để vừa chăm bố vừa làm ruộng. Nhưng anh không làm ruộng theo kiểu “con trâu đi trước, cái cày đi sau” như thời bố mẹ mà sắm ngay một cái máy làm đất nhỏ, loại dắt tay. Cái máy giúp anh ngoài cấy mấy thửa ruộng của nhà còn nhận thêm 40 mẫu của bà con trong làng để làm dịch vụ. Thấm thoắt mà đã 17 năm.

Ban đầu nông dân vẫn còn cày bằng trâu thì cái máy cày nhỏ của anh Mỹ đã là một sự tiến bộ vượt bậc, đem lại hiệu suất công việc rất cao. Khi trâu đen hết thời, trâu sắt đồng loạt lên ngôi, máy gặt liên hợp bắt đầu tràn xuống đồng thì máy nhỏ tỏ ra không phù hợp nữa vì rơm rạ quá nhiều, thời vụ lại mỗi ngày một gấp gáp hơn. Bởi thế, anh bàn với vợ thay thế nó bằng một cái máy cày bốn bánh thương hiệu nội với quan niệm “của ta dễ hỏng dễ sửa”. Nhưng không ngờ rằng chiếc máy cày đó về sau dễ hỏng đến mức không kịp sửa. Sáng nó hỏng, trưa sửa xong, chiều lại hỏng tiếp, không kéo được lên mà anh phải be bờ, tát nước rồi sửa ngay dưới ruộng, mệt rã rời mà vẫn không kịp thời vụ.

Người ta khuyên anh chuyển sang máy cày Nhật, từ đó bén duyên, dùng tới nay đã 5 đời, nâng cấp từ máy cũ sang máy mới, từ máy bé sang máy to và hiện đang có 3 model gồm 6040, 45 và 20. Anh bắt đầu làm quen với máy cấy không động cơ hay còn gọi là “máy cơm” vì sử dụng sức người để kéo do ông Trần Đại Nghĩa ở tỉnh Thái Bình sáng chế. Sau đó diện tích ruộng mở rộng dần thì anh chuyển sang máy cấy dạng dắt tay, rồi dạng ngồi lái của Nhật và nay sở hữu 1 cái 6 hàng và 2 cái 8 hàng. Còn máy gặt thì năm ngoái anh mới sắm nhưng là loại đời cao, hiện đại nhất vùng, lưỡi cắt sát đến tận gốc và đang có ý tưởng tận dụng rơm rạ để làm màng phủ luống trồng rau, màu.

Một góc chứa những máy móc của anh Mỹ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tổng số tiền anh đầu tư cho “đàn trâu sắt” của mình khoảng hơn 3 tỉ đồng và “chuồng” của chúng tức là cái xưởng rộng ngót 200m2 mới xây ngốn thêm 500 triệu đồng nữa. Anh tâm sự thật lòng, nông nghiệp vẫn là thu nhập thấp nhất trong các ngành kinh tế, để làm giàu rất khó. Năm được mùa nhưng không được giá, năm rồi được giá thì nhà xưởng, nhà kho chưa có, lại thêm sự cố bắt đầu vụ thì anh bị tai nạn nên phải dừng không cấy 27 mẫu.

Lợi nhuận làm lúa không cao đã đành mà rủi ro rất lớn vì đầu tư cho 1 sào ruộng 360m2 phải mất 1 triệu đồng nhưng lợi nhuận chỉ 200-300.000đ. Nếu thắng lợi 4 năm mà chỉ mất mùa 1 năm là người trồng lúa lại trở về với con số không.

Bởi thế, sắp tới, anh Mỹ cố gắng hoàn thiện sản xuất theo chuỗi. Cụ thể, sẽ đầu tư thêm hệ thống sấy 25 tấn/mẻ trị giá 300 triệu để tránh bị động về thời tiết, về thị trường khi buộc phải bán lúa tươi với giá rẻ.

Ngủ trên xe bò ngoài đồng

Anh Mỹ với sướng mạ 9.000 khay nằm bên sông Phú Hùng. Màu xanh mướt mát của mạ non tiếp nối với màu xanh thẫm của hàng phi lao đang rì rào trong gió. Vụ này anh có đến 3 sướng mạ như thế với tổng cộng gần 3 vạn khay, đủ để cấy cho 240 mẫu. Anh giải thích về cái tên HTX Ngọc Phượng đang hoàn thiện hồ sơ của mình rằng: “Bề trên ban cho chúng tôi bốn người con trai, cố mãi mới thêm được một cô con gái, quý quá nên đặt tên là Ngọc. Những gì tôi mong muốn nhất cũng là vì con nên quyết định ghép tên con gái và vợ vào làm tên HTX sắp thành lập. Hiện tôi đang tự cấy 47 mẫu cộng làm thêm dịch vụ cho dân, tổng khoảng 230 mẫu ở vụ xuân, 280 mẫu ở vụ mùa (tương đương hơn 100 ha).

Ở xã Đồng Sơn của huyện bên Trực Ninh hay nhiều nơi ở tỉnh Thái Bình người dân đã bỏ ruộng hoang nhưng ở quê tôi họ vẫn cấy nên muốn mở rộng diện tích buộc phải đi thuê chứ không xin được. Tôi thà bỏ tiền ra thuê đất để mua lấy sự ổn định còn hơn là mượn ruộng cấy không, được mùa nọ không biết đến mùa kia”…

Anh Mỹ bên sướng mạ 9.000 khay. Ảnh: Dương Đình Tường.

Khi thấy tấm áp phích trên huyện có hình vẽ một cô gái lái máy cày anh Mỹ chỉ cho vợ rồi trêu rằng: “Người ta là phụ nữ cũng lái máy cày đấy. Sao mình không lái?”. Chị trả trả lời: “Trong thực tế làm gì có phụ nữ lái máy cày?”. Anh bắt bẻ: “Không có chuyện phụ nữ lái máy cày sao mà người ta lại vẽ lên?”. Đuối lý, vậy là chị cũng quyết tập lái máy cày. Từ đó đến nay đã 8 năm hai vợ chồng vần vô lăng hai con “trâu sắt” hết đồng cạn lại đồng sâu.

Ngày là thế, về đêm vào vụ xuân trời rét buốt anh thương chị nên giục về để một mình hì hụi cày trên cánh đồng lộng gió. Còn vụ mùa, vì thời gian gấp gáp thì cả hai buộc phải tranh thủ mà làm. Chiếc xe bò trên lắp cái mái tôn, dưới đặt cái giát giường được họ kéo đi theo để đêm đến giăng màn ngủ ngay giữa đồng, chợp mắt được một chốc lại thức dậy mà cày. 13-15 ngày ngủ lang như thế, họ chỉ tranh thủ nhảo về nhà để cơm nước, tắm rửa tí rồi lại ra tiếp với cánh đồng.

Anh cười sảng khoái mà rằng: “Có ông cán bộ hộ tịch hộ khẩu hỏi vợ tôi: “Vất vả cày bừa, mùa vụ toàn ngủ ngoài đồng như thế mà năm nào cũng thấy chị khai sinh cho con là sao?”. Vợ tôi mới trả lời rằng: “Nếu không thế lấy đâu ra việc cho ông làm?”. Nhưng thực tế ở ngoài đồng, nằm chung trên một cỗ xe bò chật hẹp nên bề trên mới ban cho chúng tôi tới 5 đứa con”.

Anh Mỹ bên cái xe bò làm chỗ ngủ của hai vợ chồng ngoài đồng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Dù cơ giới hóa khá đồng bộ, quy mô sản xuất lớn như thế nhưng việc của nhà nông vẫn vất vả vì còn trông chờ vào trời, vào đất, vào nước. Có những lúc vợ chồng còn hục hặc đến mức cãi nhau bởi vì công việc quá tải hay vì máy hỏng không kịp làm theo tiến độ của hợp đồng đã thỏa thuận với dân: Có thời điểm vợ mệt quá cũng muốn bỏ nghề, tôi mới hỏi. “Em có muốn nhàn không? Chứ anh không biết vất vả hay không nhưng nếu em muốn thì anh mua cái thước, cái bay đi xây, xa nhà luôn?”. Vợ tôi lắc đầu. Tiếng là làm nông thu nhập 450-500 triệu/năm nhưng chúng tôi vẫn phải vay thêm ngân hàng bởi phải đầu tư mua sắm máy móc, phải chi phí cho các con ăn học. Chúng tôi phấn đấu năm nay trả nợ thêm 200 triệu là đã tốt rồi.

“Vất vả là thế nhưng niềm vui của nhà nông cũng không ít. Đó là những lúc ngửi thấy mùi thơm của mạ non, của lúa trổ. Nhìn cánh đồng vàng mà mơ có được cánh đồng rộng hơn trong vụ sau. Lắm khi ra đồng chúng tôi còn tự chụp vài bức ảnh. Chúng tôi phải cảm ơn bề trên vì đã ban cho sức khỏe để lao động mà nhiều người có muốn cũng không được”, anh Mỹ bộc bạch.

Nguồn: Báo Tri thức nông dân, theo Dương Đình Tường

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline: 0966.753.735
Chat Facebook
Gọi điện ngay