1. Khái niệm hiện tượng cháy phân, sốc phân
– Cháy phân: Là hiện tượng cây trồng bị tổn thương do quá liều phân bón, đặc biệt là phân hóa học. Khi cây hấp thụ quá nhiều phân, đặc biệt là đạm (N) và kali (K), sẽ xảy ra hiện tượng cháy lá, cây không phát triển được và thậm chí có thể chết nếu không được xử lý kịp thời.
– Sốc phân: Là tình trạng cây phản ứng không tốt với việc thay đổi đột ngột chế độ bón phân, dẫn đến tình trạng cây còi cọc, héo, thậm chí chết. Sốc phân thường xảy ra khi cây đột ngột nhận quá nhiều phân hoặc thay đổi loại phân không phù hợp.
2. Nguyên nhân gây ra cháy phân và sốc phân
2.1. Nguyên nhân gây cháy lá do phân bón
Bón phân quá liều, không đúng cách:
– Khi bón phân quá nhiều, đặc biệt là phân hóa học, nồng độ muối trong đất tăng cao, khiến cây hút nước kém hoặc bị mất nước do áp suất thẩm thấu ngược.
– Điều này gây ra hiện tượng héo lá, cháy mép lá và giảm khả năng sinh trưởng.
– Đặc biệt, đạm (N) và kali (K) khi bón quá mức có thể làm cây bị mất nước nghiêm trọng.
Sử dụng phân bón tan nhanh khi trời nắng nóng:
– Khi bón phân vào lúc trời quá nóng, phân tan nhanh, làm tăng nồng độ muối trong đất.
– Nếu cây không đủ nước để hấp thụ, sẽ xảy ra tình trạng cháy rễ, héo cây và lá bị cháy nâu.
– Phân đạm urê, kali dễ gây hiện tượng này nhất.
Phân bón tiếp xúc trực tiếp với lá:
– Một số loại phân bón như phân urê, kali nếu phun lên lá ở nồng độ cao hoặc vào thời điểm trời nắng gắt, sẽ gây bỏng lá.
– Các vết cháy thường có màu vàng hoặc nâu, xuất hiện tại các mép lá hoặc lan rộng khắp bề mặt lá.
2.2. Nguyên nhân gây sốc phân trên cây trồng
Bón phân quá mức hoặc bón đột ngột
– Khi cây đang trong điều kiện thiếu phân nhưng đột ngột được bón với lượng lớn, nó có thể bị “quá tải” dinh dưỡng, dẫn đến hiện tượng héo rũ, còi cọc và thậm chí chết cây.
– Đặc biệt, cây con, cây mới trồng hoặc cây ghép dễ bị sốc phân hơn cây trưởng thành.
Thay đổi loại phân bón không hợp lý
– Nếu cây đang quen với một loại phân nhưng bị chuyển sang loại phân khác quá nhanh (ví dụ từ phân hữu cơ sang phân hóa học có nồng độ cao), hệ rễ chưa kịp thích nghi, gây sốc cho cây.
– Một số phân có chứa muối khoáng cao có thể làm mất cân bằng nước trong tế bào cây.
Bón phân khi cây đang bị stress
– Nếu cây đang chịu các điều kiện bất lợi như khô hạn, úng nước, sâu bệnh, mà vẫn bón phân, cây không thể hấp thụ tốt dinh dưỡng, dễ bị sốc.
– Khi cây đang bị yếu mà gặp thêm áp lực từ phân bón, nó có thể phản ứng bằng cách héo lá, ngừng phát triển hoặc thậm chí chết rễ.
Bón phân khi vừa tưới nước hoặc sau mưa lớn
– Sau khi tưới nước nhiều hoặc sau mưa lớn, nếu ngay lập tức bón phân tan nhanh, cây có thể hấp thụ quá mức dưỡng chất, gây ra sốc.
– Điều này thường gặp ở cây rau màu, lúa, cây ăn quả khi phân bị rửa trôi quá nhanh vào rễ.
2.3. Nguyên nhân liên quan đến môi trường và đất đai
a. Đất quá khô hoặc quá ẩm
– Khi đất quá khô mà bón phân, cây không thể hấp thụ kịp nước và dinh dưỡng, làm tăng nguy cơ cháy rễ và lá.
– Ngược lại, nếu đất quá ẩm, phân có thể tan nhanh và gây ngộ độc dinh dưỡng, khiến cây bị sốc.
b. Độ pH đất không phù hợp
– Đất quá chua hoặc quá kiềm làm cho một số chất dinh dưỡng trở nên độc hại với cây. Ví dụ: Đất chua (pH thấp) có thể làm tăng nồng độ nhôm và mangan, gây ngộ độc rễ, đất kiềm (pH cao) làm giảm hấp thu sắt, khiến cây bị vàng lá.
c. Ảnh hưởng của thuốc bảo vệ thực vật
– Khi bón phân đồng thời với thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt là thuốc trừ cỏ hoặc thuốc trừ sâu mạnh, cây có thể bị ngộ độc, dẫn đến héo rũ và cháy lá.
3. Các triệu chứng cháy lá và sốc phân trên cây trồng:
Yếu tố |
Cháy lá |
Sốc phân |
Nguyên nhân chính | – Ánh nắng gay gắt – Thuốc BVTV/phân bón tiếp xúc lá khi trời nắng |
– Bón quá nhiều phân hóa học – Phân chưa hoai mục – Bón sát gốc, không tưới |
Vị trí bị hại | – Chủ yếu là phần mép lá, đầu lá hoặc mặt trên lá | – Rễ bị tổn thương trước, sau đó biểu hiện lên lá vàng, héo toàn cây |
Biểu hiện ban đầu | – Mép lá khô cháy, cong lại – Đốm vàng, nâu lan dần vào trong |
– Lá non héo rũ – Cây chậm lớn, không hút nước/phân – Rễ thối hoặc khô |
Tiến triển | – Lá khô dần, có thể rụng – Nếu không nặng cây vẫn có thể phục hồi được |
– Nếu không xử lý kịp, rễ chết, cây chết héo nhanh chóng |
Màu sắc tổn thương | – Nâu sẫm, vàng cháy, có thể kèm đốm trắng hoặc khô cứng | – Vàng nhạt toàn bộ lá, đôi khi viền lá nâu đỏ hoặc lá bị xoắn |
Đặc điểm thời tiết dễ xảy ra | – Nắng gắt, độ ẩm thấp – Phun thuốc/lá có nước khi trời nắng |
– Sau mưa trời nắng gắt – Bón phân lúc đất khô, không tưới đẫm |
Nhận biết bằng rễ | – Không ảnh hưởng rễ | – Rễ bị cháy, khô, thối nhũn, màu nâu hoặc đen |
Cây trồng dễ bị | – Cây có lá mỏng (rau, cà chua, dưa leo, ớt…) | – Cây ăn trái non, cây con mới trồng, rau màu |
Hình 1. Một số hình ảnh cây bị cháy lá, sốc phân
4. Cách phòng ngừa cháy phân và sốc phân
Ngừng ngay việc bón phân: Dừng bón phân ngay khi phát hiện triệu chứng để tránh cây bị ngộ độc nặng hơn.
Tưới nước rửa trôi phân bón dư thừa: Tưới nhiều nước để pha loãng nồng độ muối và hạn chế tổn thương rễ.
Cắt bỏ các bộ phận bị cháy, hư hỏng: Giúp cây tập trung dinh dưỡng vào phần khỏe mạnh và giảm nguy cơ sâu bệnh.
– Sử dụng chất giải độc cho cây: Phun hoặc tưới Kali Humate, rong biển, Vitamin B1, Cytokinin DA-6 để phục hồi cây. Phun lên lá giúp cây hấp thu nhanh hơn qua bề mặt lá, tưới vào gốc cung cấp trực tiếp cho rễ cây, giúp cải thiện khả năng hấp thụ dinh dưỡng và phục hồi hệ rễ.
+) Kali Humate: Cải thiện cấu trúc đất, tăng khả năng hấp thụ dinh dưỡng và giúp cây chống chịu tốt hơn.
+) Dịch rong biển: Chứa nhiều axit amin, hormone thực vật giúp cây phục hồi nhanh, kích thích ra rễ và sinh trưởng mạnh
+) Vitamin B1: Thúc đẩy sự phát triển của rễ, giúp cây hấp thụ dinh dưỡng tốt hơn và giảm stress.
+) Cytokinin DA-6: Kích thích phân chia tế bào, tăng cường khả năng sinh trưởng và phục hồi của cây.
Bón phân hữu cơ để cải thiện hệ đệm của đất, giúp cây hấp thụ dinh dưỡng ổn định hơn. Đảm bảo đất thông thoáng, thoát nước tốt để tránh nấm bệnh tấn công.
Phun vào sáng sớm hoặc chiều mát, tránh nắng gắt để giảm cháy lá. Đối với cây hai lá mầm như cà chua, cam, quýt, nên phun tập trung vào mặt dưới lá, với cây một lá mầm như lúa, bắp, phun đều cả hai mặt lá.
Bón phân cân đối, đúng liều lượng, chia nhỏ lượng phân bón thay vì bón một lần quá nhiều.
Kết hợp chất giải độc dinh dưỡng với phân bón hữu cơ để cây nhanh hồi phục.
5. Các phương pháp thay thế phân bón để tránh cháy lá và sốc phân
Sử dụng phân hữu cơ thay thế phân hóa học
– Phân chuồng hoai mục: Cung cấp dinh dưỡng dần dần, an toàn cho cây, cải thiện hệ vi sinh vật đất.
– Phân xanh: Tận dụng lá cây, rơm rạ ủ mục để làm phân bón tự nhiên. Bà con có thể tham khảo cách ủ phân xanh ở bài viết: https://ducthanhagri.com/ky-thuat-u-phan-xanh-tu-rom-ra-la-cay-tai-nha-de-cai-tao-dat/
– Phân vi sinh: Chứa lợi khuẩn giúp cây hấp thu dinh dưỡng tốt hơn mà không gây sốc phân.
Bổ sung các chế phẩm sinh học
– Chế phẩm Trichoderma: Hỗ trợ phân hủy chất hữu cơ nhanh, cung cấp dinh dưỡng bền vững. Bà con có thể tìm hiểu kĩ hơn trong bài về ứng dụng của nấm Trichoderma: https://ducthanhagri.com/ung-dung-nam-doi-khang-trichoderma-vao-nong-nghiep/
– Chế phẩm EM (Effective Microorganisms): Cân bằng hệ vi sinh trong đất, giúp cây hấp thu dinh dưỡng hiệu quả.
Cải tạo đất để tăng khả năng hấp thu dinh dưỡng
– Bổ sung mùn hữu cơ: Cải thiện kết cấu đất, giúp cây hấp thu dinh dưỡng hiệu quả hơn.
– Luân canh cây trồng, trồng đa dạng các loại cây trồng. Tránh tình trạng đất bạc màu, mất cân bằng dinh dưỡng gây sốc phân.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Hiện tượng sốc phân, cháy phân – Nguyên nhân và cách khắc phục?
Kỹ thuật ủ phân xanh từ rơm rạ, lá cây tại nhà để cải tạo đất
Bacillus thurgiensis var. kurstaki (Btk)
Bọ xít muỗi – Kẻ thù nguy hiểm của các loại cây trồng
Phương pháp thủy canh, trồng cây không cần đất có thực sự hiệu quả?
Phân bón lá có thực sự hiệu quả? Khi nào nên sử dụng phân bón lá?
Nguyên tố Bor trong nông nghiệp
Magie Nitrat – Chìa khóa giúp cây khỏe mạnh!