Giá cà phê tăng nhanh, tăng cao thách thức chuỗi cung ứng

Thứ Ba, 16 Tháng Tư, 2024 134 lượt xem Chia sẻ bài viết:

Giá cà phê liên tục tăng cao trong thời gian qua dẫn tới nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng. Ngành cà phê cần hành động để giữ uy tín cho cà phê Việt Nam.

Giá cà phê Việt Nam đã lên hơn 100.000 đồng/kg. Ảnh: Thanh Sơn.

Ảnh hưởng tới uy tín cà phê Việt Nam

Theo ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa), tháng 3/2023, giá cà phê Việt Nam ở mức 47.000 đồng/kg. Đến tháng 10/2023, giá cà phê đã ở mức 58.000 đồng/kg. Đây là mức giá mơ ước với người trồng cà phê vào thời điểm ấy vì chỉ cần bán với giá 50.000 đồng/kg, nông dân đã có lợi nhuận tốt.

Không dừng lại ở đó, từ đầu năm 2024 đến nay, giá cà phê Việt Nam liên tục tăng cao và hiện đã ở mức 105.000 đồng/kg, tức là gấp hơn 2 lần so với 1 năm về trước.

Giá cà phê tăng cao đã đem lại lợi nhuận tốt cho người trồng cà phê Việt Nam, vốn chỉ bán được với giá dưới 50.000 đồng/kg trong một thời gian dài. Vì vậy, ông Lê Đức Huy, Tổng giám đốc Simexco Đắk Lắk, cho rằng, giá cà phê tăng cao, trước hết là phải mừng cho người nông dân Việt Nam.

Nhưng với các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng cà phê Việt Nam, từ các đại lý thu mua tới nhà cung ứng, xuất khẩu, thương mại, rang xay…, giá tăng nhanh và quá cao đang gây ra nhiều thách thức.

Ông Đỗ Hà Nam cho biết, giá thu mua cà phê đã tăng quá cao với niên vụ trước yêu cầu các doanh nghiệp phải huy động nguồn vốn lớn. Tuy nhiên hạn mức tín dụng của các ngân hàng dành cho doanh nghiệp không tăng.

Tốc độ tăng nhanh của giá gắn liền với rủi ro cao đối với các doanh nghiệp thu mua hàng để xuất khẩu thông qua các đại lý, thương lái. Một số đại lý thu mua và doanh nghiệp ở các địa phương có nguyên liệu đã không giao hàng đúng thời hạn quy định trong hợp đồng mua bán cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, các doanh nghiệp FDI dù các bên đã bàn bạc chia sẻ rủi ro, gây thiệt hại lớn cho người mua và làm mất uy tín của ngành cà phê Việt Nam.

Việc không giữ chữ tín trong kinh doanh, xuất khẩu là điều đã rất lâu rồi không xảy ra trong ngành cà phê Việt Nam. Đại diện của Neumann Việt Nam, cho biết, công ty đã tham gia vào ngành cà phê Việt Nam trong 30 năm qua và Neumann luôn nhận thấy các hoạt động kinh doanh, thương mại trong ngành cà phê Việt Nam khá ổn định.

Nhưng trong niên vụ 2023 – 2024, điều đó đã thay đổi khi xảy ra những vấn đề nghiêm trọng trong việc tôn trọng hợp đồng đã ký kết. Đó là tình trạng chậm trễ trong việc thực hiện hợp đồng, thậm chí là không thực hiện hợp đồng. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu cà phê Việt Nam của Neumann mà còn tới cả các nhà rang xay là những khách hàng của công ty này. Việc không tôn trọng hợp đồng và những thỏa thuận đã ký kết đang lan rộng và dẫn tới nguy cơ phá vỡ chuỗi cung ứng cà phê.

Nông dân Tây Nguyên phơi cà phê. Ảnh: Thanh Sơn.

Đáng lo ngại hơn là việc nhiều nhà cung ứng trong khi không tuân thủ hợp đồng đã ký với khách hàng này thì lại đem cà phê bán cho khách hàng khác để hưởng mức giá cao hơn. Hành vi này đang làm tổn hại tới uy tín của cà phê Việt Nam. Thông tin từ ông Đỗ Hà Nam cho hay, có 1 doanh nghiệp đã cố tình không thực hiện hợp đồng giao cà phê cho nhiều công ty xuất khẩu, với tổng khối lượng cà phê lên tới hàng trăm nghìn tấn.

Do nhiều nhà cung ứng Việt Nam không tuân thủ hợp đồng đã ký, nên nhiều doanh nghiệp FDI đang phải chuyển hướng tìm mua cà phê Robusta từ các thị trường khác, nhất là từ Indonesia.

Giữ vững chuỗi cung ứng cà phê

Trước tình hình đó, Vicofa cho rằng cần phải tìm ra giải pháp để đảm bảo sự bền vững của chuỗi cung ứng cà phê Việt Nam, thực thi các hợp đồng đã ký kết và ổn định giá cà phê Việt Nam ở mức hài hòa lợi ích của nông dân, đại lý, nhà cung ứng, nhà xuất khẩu, nhập khẩu cho tới người tiêu dùng trên thế giới.

Theo ông Đỗ Hà Nam, khi xảy ra các vấn đề lớn liên quan đến nguồn cung cà phê, các bên trong chuỗi cung ứng cần hỗ trợ thông tin, hỗ trợ nhau. Khi xảy ra rủi ro thì cùng nhau tháo gỡ để giải quyết vấn đề một cách tốt nhất.

Năm ngoái, ở thời điểm Việt Nam gần như không còn cà phê, trong khi còn nhiều hợp đồng xuất khẩu phải thực hiện, Vicofa đã khuyến nghị các thành viên một số hướng giải quyết.

Một là nhờ các công ty nước ngoài mua cà phê từ những nguồn khác, còn công ty Việt Nam sẽ đền bù lại phần mua đó. Thứ hai là chủ động nhập khẩu cà phê từ Indonesia để giao hàng. Thứ 3 là với những hợp đồng có thể lùi lại được thì đàm phán lùi thời gian giao hàng vào đầu vụ mới. Những giải pháp đó được nhiều công ty nước ngoài đồng tình, ủng hộ. Nhờ vậy, cho đến thời điểm này, phần lớn các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê Việt Nam vẫn đang đảm bảo thực hiện các hợp đồng trong niên vụ 2023 – 2024.

Bên cạnh đó, sự đồng hành của các ngân hàng là rất quan trọng. Thực tế cho thấy, một số ngân hàng đã tạo điều kiện về vốn để các doanh nghiệp cà phê có đủ tiền mua cà phê thực hiện các đơn hàng đã ký với khối lượng lớn trong bối cảnh giá cà phê tăng cao. Bằng chứng là trong 6 tháng đầu niên vụ cà phê 2023 – 2024 (từ tháng 10/2023 đến tháng 9/2024), Việt Nam xuất khẩu tổng cộng hơn 956 ngàn tấn cà phê, kim ngạch đạt hơn 3 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu chủ yếu cà phê robusta với trên 825 ngàn tấn, kim ngạch trên 2,3 tỷ USD.

Tuy nhiên, mới chỉ có một số doanh nghiệp lớn được ngân hàng tin tưởng, tháo gỡ khó khăn về vốn. Vì vậy, ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Vicofa, đề xuất, trước tình hình giá cà phê tăng cao so với niên vụ trước, ngân hàng cần xem xét tăng hạn mức cho vay và ưu tiên lãi suất cho các doanh nghiệp kinh doanh, xuất nhập khẩu cà phê để đảm bảo thực hiện các hợp đồng cung ứng, xuất khẩu đã ký.

Cần ổn định sản lượng cà phê để giữ vị thế của cà phê Việt Nam. Ảnh: Thanh Sơn.

Về lâu dài, việc ổn định sản lượng cà phê Việt Nam sẽ là cơ sở rất quan trọng để giữ vị thế của cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới và đảm bảo sự phát triển bền vững cho ngành cà phê.

Ông Nguyễn Đăng Miền, đại diện của Nestlé Việt Nam cho biết, cà phê Việt Nam rất quan trọng đối với hoạt động kinh doanh của Tập đoàn Nestlé. Trong những năm qua, Nestlé đã mua rất nhiều cà phê Robusta của Việt Nam và cà phê Việt Nam chiếm thị phần rất lớn trong tổng lượng cà phê Robusta mà Tập đoàn này mua trên thế giới. Từ năm ngoái đến nay, do gặp khó khăn về nguồn cung cà phê Robusta ở Việt Nam, Nestlé Việt Nam đã mua cà phê Robusta từ nhiều nước khác để đảm bảo sản xuất ở các nhà máy chế biến cà phê. Tuy nhiên, Nestlé vẫn rất mong muốn nguồn cung cà phê Robusta ở Việt Nam ổn định trở lại để công ty tiếp tục mua được nhiều cà phê Việt Nam.

Theo: Thanh Sơn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline: 0966.753.735
Chat Facebook
Gọi điện ngay