Đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết sản xuất nông sản đạt chuẩn

Thứ Năm, 25 Tháng Tư, 2024 88 lượt xem Chia sẻ bài viết:

Bộ NN-PTNT thí điểm mô hình sản xuất, chế biến nông sản, đặt mục tiêu hình thành được các vùng nguyên liệu quy mô lớn, liên vùng, hiện đại và ổn định lâu dài.

Đến nay đã có 81 chuỗi liên kết tham gia “Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022 – 2025”.

Nhằm đẩy mạnh tổ chức sản xuất nông sản trong bối cảnh hội nhập kinh tế và những thách thức của biến đổi khí hậu ngày càng lớn, việc hình thành, phát triển các vùng nguyên liệu gắn kết với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nông sản là nhiệm vụ hàng đầu của ngành NN-PTNT. Đặc biệt, cần hình thành được các vùng nguyên liệu quy mô lớn, liên vùng, tập trung, hiện đại và ổn định lâu dài. Điều này sẽ tạo động lực cho các địa phương để có thể mở rộng và phát triển các vùng nguyên liệu, góp phần xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới thành công.

Để thực hiện mục tiêu đó, Bộ NN-PTNT triển khai “Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022 – 2025” nhằm thí điểm phát triển 5 vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Bên cạnh đó, thí điểm cơ chế, cách làm trên địa bàn 13 tỉnh với các sản phẩm chủ lực như cây ăn quả, lúa gạo, cà phê, gỗ lớn rừng trồng, đặt nền tảng để nhân rộng những mô hình hiệu quả ra cả nước.

Nhằm chỉ đạo triển khai Đề án, Bộ đã thành lập Ban chỉ đạo của Bộ theo Quyết định số với 31 thành viên, trong đó Thứ trưởng Trần Thanh Nam làm Trưởng ban. Cục Kinh tế hợp tác và PTNT đã thành lập 2 tổ công tác phụ trách theo địa bàn từng vùng để triển khai thực hiện Đề án. Các tổ công tác đã tổ chức nhiều đoàn công tác khảo sát, kiểm tra tình hình triển khai thực hiện Đề án.

Báo cáo kết quả 2 năm đầu thực hiện Đề án, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT Lê Đức Thịnh cho biết: “Đến nay đã xây dựng 81 chuỗi liên kết, tăng 56 chuỗi so với thời điểm ban đầu triển khai Đề án. Có 26 doanh nghiệp thu mua, chế biến nông sản tham gia liên kết; có 353 HTX tham gia, tăng 83 HTX so với thời điểm ban đầu. Đáng chú ý, nhiều HTX đã được thành lập mới và củng cố lại; cán bộ thành viên được đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, ứng dụng công nghệ phần mềm kế toán HTX, phần mềm nhật ký sản xuất”.

Nhiều thành viên HTX được đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực khi tham gia vào chuỗi liên kết nông sản.

Ngoài ra, đã thành lập 130 tổ khuyến nông cộng đồng, trong đó Trung tâm Khuyến nông quốc gia thành lập 26 tổ, các tỉnh thành lập 104 tổ. Tổng diện tích vùng nguyên liệu có liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp là 103.884ha, chiếm 62,3% tổng diện tích vùng nguyên liệu toàn quốc.

Đại diện CPO Lâm nghiệp, đơn vị chủ đầu tư dự án cho biết, các công trình hạ tầng vùng nguyên liệu đã được thi công và bàn giao cho địa phương, nhất là đường giao thông, kênh thủy lợi được hoàn thành tạo điều kiện lưu thông, vận chuyển nguyên liệu từ vùng sản xuất về nhà máy.

Tuy nhiên, việc thi công triển khai các hợp phần đầu tư hạ tầng vùng nguyên liệu còn chậm, chưa đồng bộ. Đến nay mới chủ yếu thi công các hạng mục công trình đường giao thông, trong khi hệ thống hạ tầng logistics phục vụ sản xuất, kinh doanh (nhà kho, sân phơi, bãi tập kết nguyên liệu,…) chưa được triển khai. Ngoài ra, công tác cấp mã số vùng cho các HTX trong vùng nguyên liệu còn rất ít và chậm; mới cấp được 179 mã số vùng trồng. Trong đó, mới có 28 HTX tham gia đề án được cấp mã, chiếm dưới 10% tổng số HTX tham gia Đề án.

Lắng nghe các kiến nghị của đại diện các cơ quan là đầu mối thực hiện Đề án, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đánh giá cao kết quả 2 năm đầu triển khai thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu.

Thứ trưởng nói: “Giai đoạn thí điểm đã hình thành được hệ thống các tổ khuyến nông cộng đồng trong các vùng nguyên liệu để kịp thời tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật về sản xuất, phát triển HTX cũng như tín dụng và liên kết thị trường. Đây là điều kiện tiên quyết để Bộ NN-PTNT đạt các mục tiêu đã đặt ra và nhận được niềm tin của địa phương”.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam đánh giá cao kết quả 2 năm đầu triển khai thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu.

Về vấn đề thi công chậm tiến độ, Thứ trưởng Trần Thanh Nam yêu cầu đơn vị chủ đầu tư và đơn vị tư vấn phải phối hợp xuyên suốt, chặt chẽ. Chỉ khi bộ máy đầu mối của Bộ NN-PTNT hoạt động hiệu quả thì mới có thể hỗ trợ, tư vấn cho địa phương các thông tin về cơ sở pháp lý, điều chỉnh thiết kế khi thi công, tổ chức sản xuất… Cùng với đó, Thứ trưởng chỉ đạo các đơn vị phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật đẩy nhanh quá trình cấp mã số vùng trồng.

Với những kết quả đạt được, Thứ trưởng Nam đề nghị Ban chỉ đạo “Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022 – 2025” trình xin ý kiến Bộ trưởng Lê Minh Hoan về tổ chức hội thảo sơ kết 2 năm đầu thực hiện. Thứ trưởng lưu ý thêm, trong khuôn khổ hội thảo có thể tổ chức song song 2 chuyên đề về xây dựng vùng nguyên liệu và phát triển khuyến nông cộng đồng.

Theo: Quỳnh Chi, Báo Nông Nghiệp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline: 0966.753.735
Chat Facebook
Gọi điện ngay