Bọ xít xanh là côn trùng chích hút nguy hiểm, thường xuyên gây hại nghiêm trọng trên nhiều loại cây trồng như chè, cam, xoài, cà phê, điều… Chúng không chỉ hút dịch mô làm héo chồi, rụng quả, mà còn tạo điều kiện cho nhiều bệnh nấm, vi khuẩn xâm nhập. Việc phát hiện sớm và phòng trừ đúng cách sẽ giúp nhà nông giảm thiểu thiệt hại đáng kể về năng suất và chất lượng nông sản.
1. Đặc điểm hình thái và cấu tạo
Bọ xít xanh là tên gọi phổ biến của một nhóm côn trùng thuộc bộ Cánh nửa (Hemiptera), phân bộ Heteroptera, họ Bọ xít (Pentatomidae). Đây là nhóm côn trùng chích hút, gây hại đáng kể trên nhiều loại cây trồng như chè, cà phê, điều, cam, quýt, xoài và các loại cây ăn quả khác.
Chúng có khả năng sinh sản nhanh, thích nghi tốt với môi trường, và là đối tượng gây thiệt hại lớn trong sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam và nhiều nước nhiệt đới. Sự thiệt hại do bọ xít gây ra quan trọng nhất là giai đọan trái còn nhỏ, trong một ngày một con bọ xít có thể chích hút nhiều trái.
1.1. Hình thái chung
Kích thước: Bọ xít xanh trưởng thành có màu xanh, bóng với chiều dài cơ thể 20-22mm, chiều rộng 15-16mm
Màu sắc: Cơ thể có màu xanh lục sáng, một số loài có ánh kim hoặc vệt màu đặc trưng.
Thân hình: Dẹp, hình khiên, có viền bên rõ rệt, thường phủ một lớp sáp mỏng tạo cảm giác bóng. Kim chích hút dài tới cuối bụng. Phía sau của ngực trước có hai gai nhỏ chìa ra hai bên và cong về phía sau, dọc hai bên mép bụng có hình răng cưa. Chính giữa mặt bụng có một đường nổi rõ rệt.
1.2. Đặc điểm sinh học và sinh thái học
Vòng đời của bọ xít xanh trải qua biến thái không hoàn toàn: trứng → ấu trùng (5 tuổi) → trưởng thành. Thời gian phát triển từ trứng đến trưởng thành thường từ 30–45 ngày tùy điều kiện nhiệt độ.
Giai đoạn trứng
- Trứng màu trắng ngà → vàng, đẻ thành ổ (20–100 quả) ở mặt dưới lá hoặc chồi non. Phát triển trong 3–7 ngày trước khi nở.
Giai đoạn ấu trùng (bọ non)
- Trải qua 5 tuổi, lột xác sau mỗi giai đoạn. Từ tuổi 3 trở đi bắt đầu gây hại mạnh bằng cách chích hút nhựa lá, chồi, quả.
- Tổng thời gian giai đoạn này khoảng 15–25 ngày.
Giai đoạn trưởng thành
- Hình khiên, màu xanh, có cánh và khả năng bay xa. Gây hại mạnh nhất, hút nhựa làm rụng quả, sẹo quả, chồi héo.Tuổi thọ 30–45 ngày, mỗi con cái có thể đẻ 150–300 trứng.
- Bọ xít xanh hoạt động mạnh vào sáng sớm và chiều mát. Tránh nắng gắt vào ban ngày bằng cách ẩn nấp dưới tán lá.
- Tập tính ăn dùng vòi chích hút nhựa cây, đặc biệt là tại các bộ phận non như búp, chồi non, quả non.
2. Tác hại nghiêm trọng của bọ xít xanh
Bọ xít xanh sử dụng miệng chích hút để đâm xuyên mô thực vật và hút nhựa cây. Trong quá trình này, chúng tiết ra enzym tiêu hóa ngoài làm phá vỡ cấu trúc tế bào, gây hoại tử mô và tạo điều kiện cho vi sinh vật xâm nhập, dẫn đến thối nhũn và nhiễm bệnh thứ cấp
2.1. Chích hút dịch mô thực vật
Bọ xít xanh sử dụng stylet (bộ phận chích hút giống kim tiêm) để đâm xuyên biểu bì, chạm vào tế bào nhu mô, libe và xylem, rồi hút dịch tế bào.
Trong quá trình đó, chúng tiết ra enzyme tiêu hóa ngoài cơ thể như: cellulase, pectinase, giúp phá hủy thành tế bào thực vật. Làm mất cân bằng áp suất thẩm thấu nội bào, chết tế bào tại vị trí chích và suy giảm chức năng dẫn truyền nước và chất dinh dưỡng.
2.2. Gây stress sinh học cho cây
Vết thương do bọ xít chích kích thích cây tăng tổng hợp ethylene, một hormone gây rụng quả và ức chế sinh trưởng.
Đồng thời làm tăng hoạt động của các chất oxy hóa nội sinh (ROS), dẫn đến hoại tử mô và giảm khả năng quang hợp.
2.3. Tạo điều kiện cho bệnh thứ cấp
Vết chích là cửa ngõ cho vi khuẩn, nấm, virus xâm nhập.
Gây nên các bệnh phối hợp như thối quả, đốm lá vi khuẩn, làm nặng thêm thiệt hại.
2.4. Tác hại trực tiếp trên cây trồng
– Trên cây ăn quả (cam, quýt, xoài, nhãn…) giai đoạn quả non: Quả bị chích sẽ rụng hàng loạt sau 2–3 ngày, vết chích tạo mụn chai cứng, làm giảm tính thương mại. Giai đoạn quả già làm quả biến dạng, chín không đồng đều, ảnh hưởng đến độ đường và màu sắc, có thể gây nứt vỏ dẫn đến nấm mốc phát triển sau thu hoạch.
– Trên cây chè gây hại chủ yếu ở búp non, lá non làm búp bị biến dạng, co quắt, khô đầu. Lá mất màu, khô từng mảng – làm giảm hàm lượng caffeine và polyphenol, ảnh hưởng chất lượng chè.
– Trên cây họ đậu (đậu nành, đậu xanh…) gây hại quả non và hạt gây hạt lép, không phát triển, tăng tỷ lệ hạt bị nấm hại kho (Aspergillus spp., Penicillium spp.).
– Trên cây công nghiệp (cà phê, bông, điều…) gây rụng hoa, rụng quả non giảm đậu trái. Tấn công hạt phát triển làm giảm chất lượng nhân, ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu.
– Trên rau màu cây bị hại sinh trưởng kém, lá xoăn, cụt ngọn, củ và quả bị chích hút không phát triển, giảm sản lượng và giá trị thương phẩm.
3. Dấu hiệu nhận biết bọ xít xanh
Mật độ bọ xít xanh tăng đột ngột khi thời tiết nóng ẩm, nắng xen kẽ mưa (tháng 5–8). Quan sát vào sáng sớm hoặc chiều mát thấy bọ tập trung nhiều ở mặt dưới lá, gần cụm hoa/quả. Khi đụng vào, bọ rụng xuống đất hoặc bay tản ra, để lại mùi hôi đặc trưng.
Có thể phát hiện qua bẫy màu vàng có mồi dẫn dụ pheromone.
Trên cây ăn quả (cam, quýt, xoài, nhãn…):
+ Quả non có vết chích màu nâu đậm, đen lõm hoặc phồng nhẹ có thể thấy dịch chảy ra nếu mới bị chích. Sau vài ngày, quả rụng non hàng loạt vào sáng sớm.
+ Quả già biến dạng hình dạng tự nhiên, chín lệch hoặc chín ép ở vùng bị chích. Mô hóa bần, mô sần sùi làm ảnh hưởng giá trị thương phẩm.
+ Trên cây chè chích hút búp chè non: búp xoăn, nhỏ lại, biến màu đỏ đồng. Lá non có vết chấm đen tại mép lá, dần lan rộng. Cây yếu, chồi phát triển chậm, năng suất giảm đến 30–40% nếu mật độ cao.
+ Trên cây họ đậu (đậu tương, đậu xanh…): Tấn công quả non: hạt bị lép, kém phát triển.
Vết chích dễ nhầm với bệnh đốm vi khuẩn, cần quan sát kỹ để phân biệt .Bệnh thường lan rộng thành đốm loang, có viền vàng vết chích bọ xít thì khô, lõm sâu và không lan.
– Trên lúa ít phổ biến hơn nhưng vẫn có thể gây hại ở giai đoạn đòng trổ và chắc hạt. Hút dịch làm hạt lép, ngậm sữa kém, dễ nhầm với bệnh bạc lá hoặc sâu cuốn lá.
Phân biệt với các sâu bệnh khác
Dấu hiệu | Bọ xít xanh | Sâu hại khác (sâu cuốn lá, rầy) | Bệnh lý vi sinh vật |
---|---|---|---|
Vết gây hại |
Chấm tròn, lõm sâu, khô |
Lá bị ăn khuyết, cuốn, xoăn |
Đốm loang, ướt, có viền |
Mùi |
Có mùi hôi khi gặp côn trùng |
Không |
Không |
Xuất hiện theo giờ | Nhiều vào sáng, chiều |
Rải rác trong ngày |
Phát triển khi ẩm ướt |
Tác động lên quả | Quả biến dạng, rụng non | Ít ảnh hưởng trực tiếp |
Thối quả, nấm mốc |
4. Các phương pháp phòng trừ bọ xít xanh hại cây trồng:
Biện pháp canh tác – Giảm áp lực sâu hại từ sớm:
– Dọn cỏ dại và ký chủ phụ quanh vườn như cỏ lá gừng, cỏ ống, cây họ đậu dại – nơi trú ngụ, sinh sản của bọ xít.
– Tỉa cành tạo thông thoáng, hạn chế nơi ẩn nấp.
– Luân canh cây trồng, tránh trồng liên tục cây họ đậu/cây mẫn cảm để ngăn tích lũy quần thể bọ.
– Trồng xen cây có tinh dầu đuổi bọ như húng quế, tía tô, bạc hà, cúc vạn thọ.
– Bón phân cân đối, tránh thừa đạm; bổ sung canxi, silic giúp lá, quả dày mô, khó bị chích hút.
Biện pháp cơ giới
– Dùng bẫy màu vàng có pheromone (20–30 bẫy/ha, đặt cao 1,2–1,5m) thu hút bọ đực.
– Thu bắt thủ công sáng sớm/chiều mát bằng vợt hoặc rung cây, hứng bằng tấm nylon.
Biện pháp sinh học – An toàn, bền vững
– Bảo vệ thiên địch như bọ ngựa, kiến vàng, ong ký sinh trứng – tránh dùng thuốc phổ rộng gây hại hệ sinh thái.
– Dùng nấm xanh, nấm trắng (Metarhizium, Beauveria): phun đúng liều, vào sáng sớm/chiều mát, khi độ ẩm >70%.
Biện pháp hóa học – Chỉ dùng khi thật cần thiết
- Nguyên tắc: Phun khi mật độ bọ vượt ngưỡng (2–3 con/lá hoặc >5 con/cây); ưu tiên thuốc chọn lọc, ít hại thiên địch.
- Một số hoạt chất có thể tiêu diệt được bọ xí xanh như: Pymetrozine làm ức chế chích hút, Dinotefuran, Thiamethoxam: gây liệt thần kinh, Abamectin + Emamectin benzoate: tác động nhanh, phổ rộng. Dầu khoáng trắng phun trực tiếp, gây nghẹt hô hấp.
Một số sản phẩm phòng trừ hiệu quả bọ xít xanh trên cây trồng của công ty TNHH NNCNC Đức Thành
Bảo vệ mùa màng
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Sâu cuốn lá nhỏ trên lúa: Đừng nhầm lẫn với sâu đục thân!
Bọ xít xanh hại cây trồng
Bệnh vàng lá gân xanh (HLB) trên cây có múi – Căn bệnh không thể chữa nhưng có thể phòng
Ảnh hưởng của bọ phấn trắng đến cây trồng
Ảnh hưởng của tuyến trùng đến cây trồng?
Sâu keo mùa thu hại ngô: Dấu hiệu nhận biết và biện pháp phòng trừ hiệu quả!
Bệnh thối nhũn trên các loại cây trồng – Cách xử lý sạch sẽ trong mùa mưa!
Bọ trĩ hại cây trồng: Cách nhận biết sớm và phương pháp phòng trừ tối ưu!