1. Giới thiệu chung
Bệnh vàng lá greening, còn gọi là bệnh Huanglongbing (HLB), là một trong những bệnh nguy hiểm nhất trên cây có múi (cam, quýt, bưởi, chanh…). Căn bệnh này không chỉ gây thiệt hại nghiêm trọng về năng suất và chất lượng trái mà còn đe dọa đến sự tồn tại lâu dài của các vườn cây ăn quả có múi trên toàn thế giới.
Theo FAO và các tổ chức nghiên cứu nông nghiệp quốc tế, HLB hiện chưa có thuốc đặc trị và thường dẫn đến việc cây bị chết dần sau vài năm nhiễm bệnh. Tuy nhiên, với các biện pháp phòng ngừa và quản lý dịch hại phù hợp, người trồng vẫn có thể hạn chế thiệt hại và kéo dài tuổi thọ vườn cây.
2. Tác nhân gây bệnh
2.1. Vi khuẩn Candidatus Liberibacter spp.
Bệnh HLB do vi khuẩn nội bào Candidatus Liberibacter spp. gây ra, chủ yếu là 3 loài:
– Candidatus Liberibacter asiaticus – phổ biến ở châu Á, chịu nhiệt tốt.
– Candidatus Liberibacter africanus – phổ biến ở châu Phi, chịu nhiệt kém hơn.
– Candidatus Liberibacter americanus – phát hiện tại Nam Mỹ.
Các loài vi khuẩn này ký sinh trong mạch libe (phloem) của cây, nơi dẫn truyền dinh dưỡng. Khi đã nhiễm bệnh, sự vận chuyển dinh dưỡng bị cản trở, làm rối loạn sinh lý và dẫn đến suy kiệt toàn bộ cây trồng.
2.2. Côn trùng môi giới truyền bệnh
Rầy chổng cánh châu Á (Diaphorina citri Kuwayama) – Vector chính của HLB ở châu Á
– Họ: Psyllidae (Hemiptera)
– Nguồn gốc: Phát hiện lần đầu tại Đài Loan và Nam Trung Quốc từ đầu thế kỷ XX, hiện đã lan rộng ở hầu hết các quốc gia có trồng cây có múi tại châu Á, châu Mỹ và mới xuất hiện ở châu Phi
Đặc điểm sinh học và vòng đời
+ Kích thước trưởng thành: dài 2,5–3,5 mm, có màu nâu xám, đặc trưng bởi tư thế “chổng cánh” khi đậu (góc 45 độ so với bề mặt lá).
+ Trứng: hình bầu dục, màu vàng cam, được đẻ tập trung ở đọt non non mềm.
+ Ấu trùng (5 tuổi): có màu vàng cam, không cánh, tập trung mặt dưới lá non để chích hút.
+ Chu kỳ sinh trưởng: hoàn tất trong 15–47 ngày tùy theo điều kiện nhiệt độ (theo nghiên cứu của Liu & Tsai, 2000).
+ Khả năng sinh sản: Một con cái có thể đẻ từ 500–800 trứng trong đời sống.
Tập tính lây truyền vi khuẩn HLB
Diaphorina citri truyền vi khuẩn Candidatus Liberibacter asiaticus (CLas) theo cơ chế b bán bền vững:
– Rầy trưởng thành và ấu trùng đều có thể tiếp nhận vi khuẩn.
– Sau khi chích hút từ cây bệnh, vi khuẩn cần 1–2 tuần (thời gian tiềm ẩn) để phát triển trong cơ thể rầy.
– Sau đó, rầy có thể truyền bệnh suốt đời khi chích vào cây khỏe.
Đặc biệt: Vi khuẩn Candidatus Liberibacter có thể nhân lên trong cơ thể rầy, làm tăng hiệu quả lây lan và khiến việc phòng trừ trở nên phức tạp hơn.
3.Triệu chứng nhận biết
Bệnh HLB gây ra những biểu hiện điển hình trên lá, quả và toàn cây, với đặc điểm nổi bật là sự rối loạn sinh lý mạch libe do vi khuẩn Candidatus Liberibacter spp. gây ra. Việc phân biệt triệu chứng với các hiện tượng thiếu dinh dưỡng là điều quan trọng để quản lý bệnh hiệu quả.
3.1. Trên lá
Lá bị vàng loang lổ không đối xứng, xen kẽ giữa các mảng xanh – vàng không đều, là triệu chứng đặc trưng giúp phân biệt với thiếu dinh dưỡng (thường có vàng đối xứng qua gân giữa).
Gân lá có thể nổi rõ, cong vặn hoặc biến dạng. Lá dày, cứng, dễ rụng sớm. Khi soi qua ánh sáng, thấy rõ sự không đồng đều về màu sắc trên phiến lá.
3.2. Trên quả
Quả thường nhỏ, méo mó, chín không đều (một bên chín, một bên xanh). Vỏ dày, sần sùi, màu sắc loang lổ. Bên trong, hạt thường lép hoặc thối đen, phôi chết.
Hương vị quả bị biến đổi rõ rệt, mất mùi thơm, vị chua, đắng, làm giảm chất lượng thương phẩm nghiêm trọng.
3.3. Trên toàn cây
Cây sinh trưởng kém, chồi non yếu, ra hoa không đồng đều, rụng lá và quả sớm. Một số cành có thể khô dần từ ngọn. Vườn có nhiều cây bệnh sẽ có biểu hiện sinh trưởng không đồng đều, năng suất giảm rõ rệt theo thời gian.
4. Tác hại nghiêm trọng của HLB
4.1. Rút ngắn chu kỳ kinh tế vườn cây có múi
Cây có múi như cam, quýt, bưởi có thể khai thác lâu dài (10-15 năm) nếu chăm sóc tốt. Tuy nhiên, khi nhiễm HLB, tuổi thọ kinh tế giảm xuống chỉ còn 3-5 năm, sau đó cây bị suy kiệt hoặc chết. Việc phải tái canh thường xuyên làm tăng chi phí đầu tư và ảnh hưởng đến khả năng xoay vòng vốn, đặc biệt ở các vùng chuyên canh quy mô lớn.
4.2. Suy giảm năng suất và chất lượng trái
Khi cây có múi nhiễm vi khuẩn Candidatus Liberibacter spp., quá trình vận chuyển dinh dưỡng bị rối loạn, dẫn đến vàng lá, rụng quả non và chết ngọn. Các bộ phận cây không được cung cấp đủ dinh dưỡng, làm suy giảm năng suất và chất lượng quả.
4.3. Gia tăng chi phí sản xuất và gánh nặng kinh tế
HLB yêu cầu tăng cường quản lý dịch hại, tăng chi phí thuốc bảo vệ thực vật, giống sạch bệnh và công sức giám sát, tỉa cành, tiêu hủy cây bệnh. Việc tái canh vườn nhiễm bệnh đòi hỏi đầu tư tài chính lớn, không phải nông hộ nào cũng có khả năng chi trả. Sử dụng thuốc hóa học liên tục có thể làm suy giảm thiên địch và gây dịch hại thứ cấp. Nếu không kiểm soát tổng hợp, vườn cây có múi có thể bị thay thế, làm giảm đa dạng sinh học nông nghiệp.
5. Biện pháp phòng ngừa và quản lý HLB
– Sử dụng cây giống sạch bệnh trồng bằng cây giống có nguồn gốc rõ ràng, được nhân từ cây mẹ sạch bệnh trong điều kiện nhà lưới chống côn trùng. Chỉ chọn giống được kiểm tra HLB bằng kỹ thuật PCR (Polymerase Chain Reaction) tại các cơ sở được cấp phép.
– Quản lý vector rầy chổng cánh bằng cách thường xuyên kiểm tra vườn để phát hiện sớm rầy. Phun thuốc BVTV luân phiên, đúng kỹ thuật (sử dụng các hoạt chất như: imidacloprid, thiamethoxam, abamectin…). Dùng bẫy màu vàng, cây dẫn dụ như cam mật để phát hiện và tiêu diệt rầy sớm.
– Cắt bỏ cây bệnh, nhổ bỏ triệt để cây đã nhiễm HLB nặng, tránh làm nguồn lây lan. Cắt tỉa cành nhiễm nhẹ kết hợp xử lý rầy, theo dõi liên tục.
– Rầy thường tấn công vào đọt non, vì vậy không để ra đọt đồng loạt trên diện rộng, tránh làm nguồn thức ăn cho rầy. Bón phân cân đối, hạn chế đạm thừa.
– Kết hợp các biện pháp sinh học. Dùng thiên địch như ong ký sinh Tamarixia radiata để kiểm soát rầy. Khuyến khích canh tác hữu cơ, tạo hệ sinh thái cân bằng, tăng sức đề kháng tự nhiên của cây.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Bệnh vàng lá gân xanh (HLB) trên cây có múi – Căn bệnh không thể chữa nhưng có thể phòng
Ảnh hưởng của bọ phấn trắng đến cây trồng
Ảnh hưởng của tuyến trùng đến cây trồng?
Sâu keo mùa thu hại ngô: Dấu hiệu nhận biết và biện pháp phòng trừ hiệu quả!
Bệnh thối nhũn trên các loại cây trồng – Cách xử lý sạch sẽ trong mùa mưa!
Bọ trĩ hại cây trồng: Cách nhận biết sớm và phương pháp phòng trừ tối ưu!
So sánh thuốc BVTV sinh học và hóa học – Khi nào nên dùng?
Mô hình nuôi trùn quế từ chất thải chăn nuôi – Xu hướng bền vững!