Ở giai đoạn nuôi trái, cây táo cần bón đủ cả 3 dưỡng chất NPK, nhưng các loại dinh dưỡng phải theo tỷ lệ giống như chữ ‘V’ để đạt năng suất cao.
Táo ở Ninh Thuận cho trái to, khi chín ăn dòn, ngọt và được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng. Tuy nhiên, để có trái táo to, mọng nước có bề mặt sáng bóng và dòn ngọt nhà nông cần hết sức quan tâm tới kỹ thuật bón phân cho cây táo.
Bón phân cho cây táo giai đoạn nuôi trái cần chú ý nhiều đến dưỡng chất kali (K), vì nó là dưỡng chất quan trọng nhất cho cây táo ở giai đoạn này. Kali có tác động cao đến chất lượng trái như: Gia tăng sự phân chia và giãn nở tế bào giúp trái có kích thước lớn hơn, gia tăng năng suất, tạo độ dòn ngọt.
Kali còn kích hoạt hơn 60 enzyme xúc tác cho nhiều tiến trình biến dưỡng làm màu sắc vỏ trái đẹp hơn, hàm lượng vitamin nhiều hơn và thúc đẩy tiến trình chín của trái.
Kali cũng làm tăng cường độ quang hợp của lá, giúp chuyển vận sản phẩm quang hợp từ lá vào trái và chuyển hóa tinh bột thành đường khi trái trưởng thành nên trái ngọt hơn. Vách tế bào trở nên cứng chắc vì vậy ăn dòn hơn, việc bảo quản trái sau thu hoạch cũng được lâu bền hơn và nhất là tăng khả năng chống chịu sâu bệnh. Vì vậy, có thể nói kali là dưỡng chất chủ yếu trong điều khiển chất lượng trái, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng.
Mặc dù kali giữ vai trò quan trọng như vậy, nhưng nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng trái vẫn có thể bị thiếu kali ngay cả ở đất giàu kali, do bón phân không cân đối. Kết quả phân tích đất vùng Ninh Thuận cho thấy hầu hết đều có làm lượng kali tổng số và kali hữu dụng ở mức từ nghèo đến trung bình, cùng với việc bón dư thừa đạm (N) gây mất cân đối tỷ lệ đạm – kali làm cho sự thiếu hụt kali trong trái ở giai đoạn nuôi trái trở nên nghiêm trọng hơn.
Ở giai đoạn nuôi trái cần bón đủ cả 3 dưỡng chất NPK, nhưng phải theo tỷ lệ giống như chữ “V” nghĩa là chất lân (P2O5) có tỷ lệ thấp nhất (ở đáy của chữ V), đạm có tỷ lệ cao lân (ở nhánh trái của chữ V), còn kali (K2O) có tỷ lệ cao nhất (ở nhánh phải của chữ V).
Trong bón phân bà con có thể quan sát lá để biết tình trạng dinh dưỡng kali trong cây. Khi thiếu kali cây sinh trưởng chậm lại và có sự tái chuyển vị của kali từ lá đã trưởng thành. Do kali là nguyên tố rất di động trong cây, nên triệu chứng thiếu kali thể hiện đầu tiên ở lá già, mép lá bị hoại tử hay bị cháy khô. Nhưng khi thiếu nghiêm trọng thì cả lá non cũng bị vàng úa và hoại tử, khi bộ phận này bị hoại tử rồi thì không hồi phục trở lại dù cho có bón thêm kali.
Không giống như đạm, khi cây thiếu đạm lá bị vàng, nhưng sẽ xanh trở lại khi được bổ sung. Như vậy, trong bón phân cần phải bón đủ kali cho cây, khi thấy triệu chứng thiếu kali rồi mới bón thì cây đã bị tổn thương rồi.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Nguyên nhân, dấu hiệu và cách phòng chống sâu đục quả trên cây vải
Nguyên nhân, dấu hiệu và cách phòng chống bọ xít trên cây vải
Quảng bá thanh long chế biến tại Hòa Kỳ
Nguyên Nhân, Dấu Hiệu và Cách Phòng Ngừa Bệnh Rầy Xanh
Nguyên nhân, dấu hiệu và cách phòng chống rệp sáp trên cây vải
Cụ bà sở hữu vườn cây ăn quả thu nhập tiền tỷ mỗi năm
Nguyên nhân, dấu hiệu và cách phòng chống rầy mềm trên cây cam
Bệnh đốm đen trên cây cam