‘Dĩ nông vi bản’- nông nghiệp giữ một vị trí hết sức quan trọng trong nền kinh tế của địa phương, với sự đóng góp công sức của người nông dân qua nhiều thế hệ.
Ai ơi chớ phụ nghề nông
Đồng cao ruộng thấp ra công cấy cày
Quảng Ngãi là một tỉnh nằm trong vùng duyên hải Nam Trung bộ, địa hình không bằng phẳng, bị chia cắt bởi những gò, đồi, các nhánh núi đâm ngang ra biển, độ dốc tương đối lớn, nghiêng từ tây sang đông. Các con sông ở đây đều phát nguyên từ vùng núi và cao nguyên phía tây, có lưu lượng lớn về mùa mưa, nhưng lại trở nên khô kiệt vào mùa nắng hạn. Những dải đồng bằng phù sa sông chạy song song với những đồng bằng hẹp đất bạc màu nằm dưới chân các dãy đồi thấp là tài nguyên chủ yếu cho sản xuất nông nghiệp.
Chịu ảnh hưởng trực tiếp của chế độ khí hậu nhiệt đới gió mùa của khu vực duyên hải miền Trung, hằng năm, có từ hai đến ba cơn bão đổ bộ trực tiếp và nhiều đợt áp thấp nhiệt đới kéo theo mưa lớn, gây thiệt hại nặng cho sản xuất nông nghiệp.
Tuy nhiên, với đức tính cần cù, chịu khó, sáng tạo, người nông dân Quảng Ngãi đã biết khắc phục những bất lợi của thiên nhiên, chăm lo cấy cày, trồng trọt, đem lại cái ăn cái mặc, nuôi sống gia đình. “Dĩ nông vi bản”, nông nghiệp giữ một vị trí hết sức quan trọng trong nền kinh tế của địa phương, với sự đóng góp công sức của người nông dân qua nhiều thế hệ:
Ai ơi chớ phụ nghề nông
Đồng cao ruộng thấp ra công cấy cày
Chân bùn tay lấm càng hay
Bây giờ vất vả, có ngày phong lưu.
Người Việt di cư vào Quảng Ngãi sinh sống, lập nghiệp, đem kỹ thuật nông nghiệp từ Bắc bộ và Bắc Trung bộ áp dụng ở vùng đất mới, đồng thời tiếp thu, kế thừa một số ưu điểm trong kỹ thuật canh tác của người Chăm. Một đặc thù rất rõ của nông nghiệp Quảng Ngãi trong lịch sử là gắn liền với quá trình di dân, khai khẩn đất hoang và xây dựng những công trình thuỷ lợi đặc sắc, mà nổi bật là những guồng xe nước trên sông Vệ, sông Trà Khúc.
Đầu thế kỷ XV, thời nhà Hồ, sau khi có đất Cổ Lũy động (Quảng Ngãi), nhà nước phong kiến đã ra lệnh đưa dân vào khai khẩn, cấp trâu bò để họ cấy cày. Từ khi vua Lê Thánh Tông thiết lập đạo thừa tuyên Quảng Nam (nay là thành phố Đà Nẵng và các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định) đến thời các chúa Nguyễn, cư dân Việt tiếp tục di cư vào lập làng, khẩn đất.
Tuy là ngành sản xuất chính, nhưng do điều kiện về khí hậu, thời tiết, địa hình, kể cả điều kiện kỹ thuật thô sơ, nên sản xuất nông nghiệp ở Quảng Ngãi kéo dài rất lâu trong tình trạng chậm phát triển. Để có thể sinh tồn, người dân Quảng Ngãi đã phải lao động cực nhọc và chịu đựng cảnh thiếu thốn nhiều bề.
Trừ những trường hợp bất khả kháng như lụt bão, hạn hán, chẳng khi nào người nông dân chịu cho đất nghỉ. Quanh năm, suốt tháng, luân canh, xen canh, hết lúa đến khoai, hết khoai đến mía, hết mía đến bắp…
Do địa hình đồng bằng, gò đồi xen kẽ nên nhiều khi trên cùng một vùng mà nơi này gặt lúa, nơi kia cày ruộng, đằng trước phạt mía, đằng sau cuốc đất. Nhà nông chăm lo trồng tỉa nhưng vì phần lớn đất đai kém độ phì nên hàng năm thu hoạch không được bao nhiêu, thường dùng khoai, đậu ghế độn thêm vào cơm gạo mới đủ ăn.
Gặt về đạp lúa phơi rơm
Mồ hôi đổi lấy bát cơm hàng ngày
Sản phẩm chính của nông nghiệp Quảng Ngãi trong thời kỳ này là lúa, mía và các loại cây trồng khác như: mì, khoai lang, đậu phụng, dâu tằm…
Về thời vụ gieo trồng, người xưa đã biết dựa vào nông lịch để trồng các loại cây nông nghiệp trên từng vùng đất cao, đất thấp nên 4 mùa đều có gieo trồng, người làm nông ít khi rảnh rỗi.
Tháng Giêng thì lúa xanh già
Tháng hai lúa trổ, tháng ba lúa vàng
Tháng tư cuốc đất trồng lang
Tháng năm cày cuốc tiếng nàng hò lơ
Tháng sáu làm cỏ dọn bờ
Tháng bảy trổ cờ, tháng tám chín thơm
Gặt về đạp lúa phơi rơm
Mồ hôi đổi lấy bát cơm hàng ngày
Lúa khô giê sạch cất ngay
Chỗ cao ta để phòng ngày nước dâng
Mùa đông mưa bão nhiều lần
Nàng xay, chàng giã cùng ngân tiếng hò
Tháng mười cày cấy mưa to
Trông trời, trông đất cầu cho được mùa.
Ruộng trồng lúa thì có ruộng 1 vụ và ruộng 2 vụ. Các giống lúa trong thời kỳ này là ba trăng, trì trì, tàu núp, chiêm ngự, tám tháng (bát nguyệt)… Đây là những giống lúa địa phương có từ xa xưa, thích hợp với điều kiện tự nhiên của nhiều vùng, thường cao cây, gạo ngon nhưng năng suất thấp, dễ đổ ngã khi gặp mưa to, gió lớn. Ngoài ra, còn có các giống lúa như xâu chuỗi, lúa vung, lúa tiễn, lúa cự, lúa cúc, lúa bông rinh, nếp tiêu, nếp ngự…
Tùy theo địa hình và nguồn nước tưới mà cây lúa ở đồng bằng được gieo cấy vào nhiều vụ khác nhau trong năm. Thường thì tháng 2 gieo mạ cấy lúa bát ngoạt (nguyệt), tháng 8 cấy lúa tàu núp, tháng 10 cấy lúa ba trăng, bông rinh, tháng chạp cấy lúa trì trì. Đồng gieo thiếu nước thì ngâm hạt thóc giống cho chớm mầm rồi gieo trực tiếp lên ruộng; đồng lúa nước thì gieo hạt thóc đã ủ nảy mầm để thành những luống mạ, sau đó nhổ mạ đem cấy xuống ruộng nước:
Anh lấy vợ trước anh có con trước
Em lấy chồng sau em có con sau
Lúa đen trổ trước phơi màu
Trì trì trổ muộn hai màu giống nhau.
Ngoài lúa, các loại ngô (bắp), sắn (củ mì) và khoai lang cũng là nguồn lương thực của người dân Quảng Ngãi. Ngô, sắn và nhất là khoai lang được trồng ở khắp nơi trong tỉnh, tập trung ở các vùng đất xám bạc màu, đất cát pha ven biển. Khoai lang các loại là món hàng chủ lực ở chợ Đình (Sơn Tịnh). Làng Long Phụng (Mộ Đức) được biết đến với giống khoai nhiều tinh bột, thơm ngon có tiếng:
Củ lang mỏng vỏ đỏ da
Ai về Long Phụng theo ta thì về.
Trích dẫn “Ca dao Quảng Ngãi- sưu tầm, chọn lọc, chú giải, bình luận”, NXB Thông tin và Truyền thông, HN, 2014. (Những câu ca dao sử dụng trong bài viết đều trích từ cuốn sách này).
Theo Lê Hồng Khánh, Báo nông nghiệp
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Nguyên nhân, dấu hiệu và cách phòng chống sâu đục quả trên cây vải
Nguyên nhân, dấu hiệu và cách phòng chống bọ xít trên cây vải
Quảng bá thanh long chế biến tại Hòa Kỳ
Nguyên Nhân, Dấu Hiệu và Cách Phòng Ngừa Bệnh Rầy Xanh
Nguyên nhân, dấu hiệu và cách phòng chống rệp sáp trên cây vải
Cụ bà sở hữu vườn cây ăn quả thu nhập tiền tỷ mỗi năm
Nguyên nhân, dấu hiệu và cách phòng chống rầy mềm trên cây cam
Bệnh đốm đen trên cây cam