Sắn là cây trồng chủ lực tại tỉnh biên giới Tây Ninh. Với vai trò là bạn đồng hành của nhà nông, Khuyến nông Tây Ninh đã giúp bà con sống khoẻ với cây sắn.
Nơi cây sắn không bị “bỏ đói”
Tại vùng Đông Nam bộ, nếu nói đến cây ăn quả thì nhắc đến Đồng Nai, cây công nghiệp lâu năm như tiêu, điều, cao su thì có Bình Phước, thuỷ sản có Bà Rịa – Vũng Tàu. Còn Tây Ninh – mảnh đất đầy nắng và gió của vùng biên giới Tây Nam của Tổ quốc, cây sắn (mì) từ lâu đã trở thành cây trồng chủ lực của người dân nơi đây.
Để cây sắn có chỗ đứng vững chắc trong ngành nông nghiệp Tây Ninh, có vai trò không nhỏ của hệ thống khuyến nông.
Theo người dân địa phương, cây sắn du nhập vào Tây Ninh từ thế kỷ 18. Nhờ phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng, lại cũng dễ trồng, ít công chăm sóc, năng suất cao, giá bán ổn định và là nguyên liệu thông dụng trong các ngành công nghiệp chế biến nên cây sắn được trồng phổ biến tại Tây Ninh nói riêng và cả nước nói chung. Cây trồng này đã giúp nông dân Tây Ninh xóa đói giảm nghèo, thậm chí không ít nông dân đã đổi đời từ cây sắn.
Tỉnh Tây Ninh đã có nhiều giải pháp tích cực hỗ trợ nông dân trồng sắn, trong đó, nòng cốt là lực lượng khuyến nông. Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh đã đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng như công tác nghiên cứu, chọn tạo ra giống sắn mới và các phương pháp canh tác mới như xen canh, luân canh… giúp người trồng sắn thay đổi phương thức sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Với điều kiện thời tiết ở Tây Ninh có mùa nắng kéo dài 6 tháng, sắn là loại cây lấy củ nên việc cung cấp đủ nước giúp cây phát triển rất quan trọng. Xác định giải pháp tưới là điều kiện tiên quyết giúp cây sắn phát triển và đạt năng suất cao, Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh đã khuyến khích, hướng dẫn người trồng sắn lắp đặt các hệ thống tưới tự động, tưới tiết kiệm. Đến với các vùng trọng điểm trồng sắn tại Tây Ninh, 100% ruộng sắn đều triển khai lắp đặt hệ thống tưới phun, tưới béc, tưới nhỏ giọt… tự động.
Ngoài giúp bà con áp dụng công nghệ chủ động tưới, việc ứng dụng đồng bộ cơ giới hoá vào canh tác sắn cũng là điểm khác biệt trong canh tác sắn tại Tây Ninh.
Hiện toàn bộ các công đoạn, từ cày, xới, lên luống, bón phân, phun thuốc, làm cỏ cho đến chặt hom, trồng và chăm sóc đều đã được cơ giới hoá, thay thế trên 2/3 nhân công lao động, giải quyết được vấn đề thiếu hụt lao động, giúp người dân chủ động, kịp thời mùa vụ xuống giống và thu hoạch. Không chỉ áp dụng các loại máy cơ giới có sẵn trên thị trường, nông dân Tây Ninh còn đi đầu trong cả nước về cải tiến, chế tạo máy phục vụ nông nghiệp.
Đến thăm vườn sắn tươi tốt rộng hơn 100ha của anh Bùi Công Ngọc ở xã Tân Hiệp (huyện Tân Châu) – nông dân trồng sắn tiêu biểu của tỉnh Tây Ninh, ít ai nghĩ rằng đây là những giống sắn đã nhiễm bệnh khảm lá nhưng vẫn sinh trưởng phát triển tốt. Nhổ thử một gốc sắn lên, những chùm củ vừa to lại vừa nhiều. Anh Ngọc phấn khởi cho biết: “Trước đây, đa số nông dân quan niệm sắn là cây dễ trồng nên đầu tư thâm canh thấp, chưa chú trọng chế độ tưới. Do vậy, đất trồng sắn đã nghèo lại ngày càng cạn kiệt dinh dưỡng, kéo theo năng suất ngày càng thấp.
Nhờ Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, thậm chí cử cán bộ xuống tận ruộng để cầm tay chỉ việc nên dù bệnh khảm lá sắn diễn biến phức tạp nhưng năng suất sắn của gia đình anh Ngọc cũng như người trồng sắn nơi đây vẫn đạt hơn 40 tấn/ha.
Đưa nhanh giống sắn kháng khảm lá ra sản xuất
Những năm qua, khuyến nông Tây Ninh có vai trò quan trọng trong nỗ lực tìm ra các giống sắn kháng bệnh khảm lá, năng suất cao, chữ bột ổn định.
Từ giữa năm 2017, dịch bệnh khảm lá sắn bắt đầu xuất hiện tại tỉnh Tây Ninh, tác nhân truyền bệnh chủ yếu do bọ phấn trắng gây ra. Đây là loài bọ có kích thước rất nhỏ, cả ấu trùng và bọ trưởng thành đều thực hiện việc hút nhựa cây, gây tổn thương cho mô lá, tiết nước bọt làm suy giảm miễn dịch và có khả năng lan truyền mạnh mẽ.
Để giảm thiểu thiệt hại cho nông dân, Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh đã chủ động liên kết, phối hợp với các viện, trường tích cực nghiên cứu, khảo nghiệm, tìm biện pháp đẩy lùi dịch bệnh khảm lá dưới sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, các trung tâm nghiên cứu, viện, trường. Sau hơn 4 năm nỗ lực, Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh đã trồng khảo nghiệm thành công 2 giống sắn kháng bệnh khảm lá là HN3, HN5; tiếp đó là HN1, HN36, HN l80, HN97 có tính kháng tuyệt đối bệnh khảm lá và đã được Bộ NN-PTNT công nhận. Các giống sắn này không chỉ phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương mà còn cho năng suất cao, chữ bột ổn định.
Để đáp ứng nhu cầu giống, Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh đã đẩy nhanh nhân giống mới, đồng thời xây dựng mô hình, tập huấn kỹ thuật, hội thảo khuyến khích người dân sử dụng giống mới sạch bệnh, kháng bệnh khảm lá.
Riêng trong năm 2023, từ nguồn vốn hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tây Ninh đã xây dựng dự án nhân giống sắn mới gắn với nhà máy tiêu thụ tại Tây Ninh và đã triển khai thực hiện trên địa bàn huyện Tân Châu với quy mô 25ha, huyện Châu Thành 10ha. Qua đó, góp phần giảm bớt áp lực và từng bước loại bỏ bệnh khảm lá sắn trên địa bàn.
“Ngoài ra, Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh còn lồng ghép các quy trình canh tác sắn của Cục Trồng trọt; kỹ thuật sản xuất thâm canh sắn mới chống chịu bệnh khảm lá cùng một số tiến bộ khoa học kỹ thuật về phòng trừ sâu bệnh hại trên cây sắn”, ông Hà Thành Tùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tây Ninh cho biết.
Nông dân hết nỗi lo bệnh khảm
Vụ thu hoạch sắn 2023 tại Tây Ninh kết thúc trong sự phấn khởi của bà con trồng sắn khi vừa được mùa, được giá. Theo tính toán của nông dân, chi phí đầu tư cho 1ha sắn từ 20 – 30 triệu đồng, với giá sắn vụ vừa qua dao động từ 3.300 – 3.400 đồng/kg, sau khi trừ chi phí nông dân còn lãi từ 40 – 50 triệu đồng/ha.
Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh Nguyễn Đình Xuân cho biết, rút kinh nghiệm những năm trước, năm 2023, bên cạnh các giống sắn sạch bệnh có chữ bột cao, hạn chế được sâu bệnh như giống KM140, KM94, KM505, các giống kháng hoàn toàn bệnh khảm lá tuy còn khiêm tốn, song đã và đang cho thấy hiệu quả tích cực và được bà con nhân rộng.
Những ngày này, trên khắp địa bàn tỉnh Tây Ninh, bà con đang khẩn trương xuống giống vụ mới. Để tiếp tục gặt hái thắng lợi, các giống sắn kháng khảm là “từ khoá” bà con tìm kiếm và ưu tiên hàng đầu để bắt đầu vụ mới.
Ông Huỳnh Phú Quốc ở ấp Thạnh An, huyện Châu Thành (tỉnh Tây Ninh) cho biết, hiện nay nông dân trồng sắn ở huyện Châu Thành đa số sử dụng giống sắn KM505, nhưng giống sắn này vẫn đang bị nhiễm bệnh khảm lá khiến năng suất giảm đáng kể.
Hiện gia đình ông đang trồng 3ha sắn (giống KM505) với năng suất bình quân chỉ khoảng 30 tấn/ha, trong khi các giống sắn kháng bệnh khảm năng suất bình quân 45 – 50 tấn/ha. Ông mong muốn ngành nông nghiệp sớm đẩy mạnh triển khai nhân giống, chuyển giao giống sắn mới có khả năng kháng sâu bệnh để nông dân tiếp cận.
Khác với ông Quốc, ông Lý Văn Trí ở ấp Hoà Đông A, xã Hoà Hiệp (huyện Tân Biên) may mắn tìm được giống mới kháng bệnh khảm lá. Hiện ông đang trồng được 0,5/3ha sắn giống HN1 để làm giống, cây phát triển tốt, tán lá rộng, cây cao, năng suất củ và hàm lượng tinh bột vượt trội hơn so với các giống sắn được trồng trước đây.
Lý do ông Trí chưa triển khai trên diện tích lớn bởi giá sắn giống kháng khảm lá hiện nay khá cao (khoảng 200.000 – 270.000 đồng/bó 20 cây, mức trồng cho 1ha cần khoảng 50 bó), do đó để tiết kiệm chi phí đầu tư giống, ông chỉ trồng diện tích nhỏ để nhân giống.
Để có nguồn giống sắn triển vọng, kháng được bệnh, năng suất, chữ bột cao cung cấp cho bà con nông dân, hiện Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tây Ninh đang tích cực phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh và Viện Di truyền Nông nghiệp (Bộ NN-PTNT) nhân rộng các giống kháng khảm lá.
“Tính theo cấp số nhân gấp 10 lần (1 cây sắn giống có thể cho ra 10 hom giống), hiện diện tích giống sắn kháng bệnh khảm lá tại Tây Ninh có khoảng 2.800ha sắn giống, có thể tăng lên 35.000ha, thậm chí cao hơn vào niên vụ 2023 – 2024. Với tốc độ nhân giống như hiện tại, Tây Ninh có thể làm chủ giống sắn kháng khảm lá vào năm 2025 và nông dân Tây Ninh sẽ hết nỗi lo về giống”, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh Nguyễn Đình Xuân nhấn mạnh.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Nguyên nhân, dấu hiệu và cách phòng chống sâu đục quả trên cây vải
Nguyên nhân, dấu hiệu và cách phòng chống bọ xít trên cây vải
Quảng bá thanh long chế biến tại Hòa Kỳ
Nguyên Nhân, Dấu Hiệu và Cách Phòng Ngừa Bệnh Rầy Xanh
Nguyên nhân, dấu hiệu và cách phòng chống rệp sáp trên cây vải
Cụ bà sở hữu vườn cây ăn quả thu nhập tiền tỷ mỗi năm
Nguyên nhân, dấu hiệu và cách phòng chống rầy mềm trên cây cam
Bệnh đốm đen trên cây cam