Hiểu thêm về ngành chè

Thứ Hai, 29 Tháng Năm, 2023 296 lượt xem Chia sẻ bài viết:
Hiểu thêm về ngành chè

Theo xếp hạng trên toàn thế giới, Việt Nam hiện đang đứng thứ năm về diện tích trồng chè và đứng thứ 6 về sản lượng chè. Theo thống kê năm 2022, đã có 34 tỉnh thành trồng chè với tổng diện tích khoảng 130.000 ha và sản lượng hằng năm trung bình đạt khoảng 1.020.000 tấn búp tươi, quy ra khoảng 196.000 tấn chè khô. Ước tính tổng giá trị là 12.600 tỷ đồng tương đương 552 triệu USD. Với giá trị sản phẩm chè xuất khẩu đạt 237 triệu USD và chè tiêu thụ trong nước là 325 triệu USD.  

Chè là một trong những mặt hàng nông sản mang giá trị xuất khẩu lớn của Việt Nam. Nước ta cũng là đất nước có được lợi thế về ngành chè. Cho đến hiện nay ngành chè không chỉ tập trung sản xuất ở trong nước mà còn được xuất khẩu ra tầm thế giới. Cây chè là loại cây có khả năng thích nghi cao, sinh trưởng phát triển tốt trong những điều kiện môi trường khác nhau. Việt Nam là khu vực có khí hậu cận nhiệt đới mang đặc điểm mưa nhiều và độ ẩm cao, nhiệt độ dao động trong khoảng 23-40oC giúp cây chè thuận lợi phát triển. Cây chè còn được trồng và sản xuất ở hơn 40 quốc gia khác trên thế giới, mỗi quốc gia cây chè sẽ có những đặc điểm về hương vị và chất lượng tuỳ thuộc vào khí hậu, quy trình chăm sóc và phương pháp chế biến.

Thưởng thức hương vị chè

Ở nước ta, chè chủ yếu được tiêu thụ ở thị trường trong nước và đưa đi xuất khẩu cho 74 quốc gia và vùng lãnh thổ khác. Với thị trường trong nước thì người Việt có nhu cầu tiêu thụ chè luôn cao. Đặc biệt như các sự kiện quan trọng hay các dịp lễ Tết. Chè không đơn thuần chỉ dùng uống hằng ngày mà còn là món quà để mọi người biếu người thân, bạn bè thay cho lời chúc mừng, lời chào đón… Và nước chè tiếp khách đã trở thành một nét văn hoá không thể thiếu. Bởi vậy mà tình hình tiêu thụ chè luôn ổn định ở thị trường trong nước. Cũng tại Việt Nam, đi dọc theo chiều dài đất nước hình ảnh cây chè mang đậm dấu ấn của khí hậu, thổ nhưỡng từng vùng. Bởi nếp sinh hoạt, tập quán canh tác luôn thể hiện rõ tinh thần và cuộc sống của người dân. Đặc trưng của mỗi vùng miền sẽ tạo nên hương vị tinh khiết, nhẹ nhàng khác biệt trong từng lá chè.

Theo báo cáo của Hiệp Hội chè Việt Nam, hiện nay đã có hơn 170 giống chè khác nhau đảm bảo chất lượng, năng suất. Có thể kể đến một số giống chè phổ biến như chè Shan, PH1, LDP1, LDP2, PT14,… Trong đó giống chè Shan tuyết là giống chè quý đã trồng từ rất lâu ở một số vùng phía Bắc như Hà Giang, Yên Bái, Sơn La, Điện Biên,… Tuy nhiên, diện tích trồng chè phần lớn tập trung ở các khu vực như đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên. Có 4 vùng chè lớn nhất nước ta bao gồm: Phú Thọ được xem là cái nôi của ngành chè Việt Nam, Thái Nguyên được ví là đệ nhất danh trà, khu vực Tây Bắc và Lâm Đồng được xem là thủ phủ của cây chè.

Đồi chè Long Cốc – Phú Thọ từ trên cao
“Thủ phủ” chè Lâm Đồng

Để có những búp chè tươi ngon làm nguyên liệu chế biến không thể không chú trọng đến quy trình sản xuất chăm sóc. Để cây chè phát triển khoẻ mạnh bà con luôn phải áp dụng những kinh nghiệm thực tế và tiếp thu những tiến bộ mới. Tuy nhiên theo thực tế 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu chè ước tính đạt khoảng 30.000 tấn trị giá tương đương 50 triệu USD, đã giảm 4.8% về sản lượng, giảm khoảng 5.8% về giá trị so với cùng thời điểm năm ngoái. Thị trường trong nước phần lớn là tiêu thụ chè xanh, ngược lại phần lớn là chè đen được đưa ra thị trường xuất khẩu. Trong những năm gần đây, không chỉ người trung niên và người lớn tuổi, mà sản lượng tiêu thụ chè của giới trẻ cũng đang có xu hướng tăng lên. Vì thế ngành chè cần chú trọng đảm bảo đáp ứng thêm nhu cầu thị trường.

Đến nay diện tích chè đã và đang tiếp tục được mở rộng bổ sung, hoàn chỉnh quy hoạch ở một số địa bàn vẫn còn đất trống. Cây chè trở thành cây chủ lực giúp mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với nhiều cây trồng khác. Nhờ vậy, ngành chè đã góp phần đem lại giá trị kinh tế lớn cho xã hội. Tạo ra công ăn việc làm cho nhiều người lao động, tăng nguồn thu nhập. Giúp người dân phát triển kinh tế hộ gia đình, cải thiện cuộc sống của mình, xoá đói giảm nghèo. Đồng thời đóng góp vào việc thúc đẩy nền nông nghiệp nói chung ngày càng phát triển.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline: 0966.753.735
Chat Facebook
Gọi điện ngay