1.000 cây bưởi và 7.000 trụ tiêu doanh thu 1,5 tỷ đồng/năm

Thứ Ba, 23 Tháng Tư, 2024 79 lượt xem Chia sẻ bài viết:

Bình Định toàn bộ sản phẩm bưởi, hồ tiêu trồng theo hướng hữu cơ của ông Đặng Văn Cấp được HTX Nông nghiệp Thanh Niên Hoài Ân bao tiêu, nhà vườn không phải lo đầu ra…

Gánh nước tưới từng trụ tiêu

Cách đây 35 năm, khi ấy ông Đặng Văn Cấp mới 40 tuổi, độ tuổi vừa “chín” trong định hướng làm ăn, ông bèn bỏ nghề thầu xây dựng quay về với nông nghiệp. Khi ấy, đất ở quê ông – thôn Thạch Long 1, xã Ân Tường Đông (huyện Hoài Ân, Bình Định) bát ngát, nhưng người dân địa phương không màng đến vì không biết trồng cây gì. Khi ấy, ông Cấp vừa thất bại với nghề thầu xây dựng và quyết định dồn sức khai hoang 10ha đất để chuyển sang làm nông nghiệp.

Lãnh đạo tỉnh Bình Định cùng nông dân tham quan mô hình trồng tiêu và bưởi hữu cơ của ông Đặng Văn Cấp. Ảnh: V.Đ.T.

Vạn sự khởi đầu nan. Khi đã có đất, ông Cấp liền trồng cây dừa ta (dừa ép dầu), thế nhưng giá dừa ta bấp bênh kéo dài, ông lại chuyển sang trồng sanh cảnh. Chưa kịp có thu nhập từ cây cảnh thì cây sanh hết thời. Chấp nhận thua cuộc, ông Cấp lại phá hết cây cảnh để trồng cây keo. Gỗ rừng trồng khi ấy cũng chưa “sốt” như bây giờ, cho thu nhập bấp bênh nên bán xong lứa keo đầu ông Cấp lại chuyển sang trồng 200 trụ tiêu và trồng thử nghiệm 30 cây bưởi da xanh. Do không có vốn đầu tư nên ông phải bỏ công lao động làm tất tần tật mọi công đoạn.

“Khi ấy vợ chồng tôi phải bỏ sức gánh từng gánh nước trên suối về tưới từng trụ tiêu, từng cây bưởi. Khi nhận thấy những loại cây trồng này vừa phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu địa phương, vừa cho hiệu quả kinh tế cao, mỗi năm tôi lại trồng thêm hồ tiêu và bưởi phủ kín diện tích đất. Đến năm 2017, trên 10ha đất của tôi đã có 7.000 trụ tiêu, 1.000 cây bưởi da xanh và trồng thử nghiệm 30 cây sầu riêng. Lứa bưởi tôi trồng sau cùng đến nay cũng đã 4 năm tuổi. Hiện nay, toàn bộ 1.000 cây bưởi đã cho quả, 30 cây sầu riêng cũng cho quả đã 3 năm nay, còn tiêu thì cho thu hoạch đã nhiều năm rồi”, ông Cấp chia sẻ.

Mô hình ứng dụng công nghệ sinh học trong canh tác cây tiêu của ông Đặng Văn Cấp. Ảnh: V.Đ.T.

Mô hình trồng cây ăn quả của ông Cấp đã lọt vào “mắt xanh” của lãnh đạo và ngành chức năng huyện Hoài Ân. Sau nhiều lần đến thăm, ông Nguyễn Hữu Khúc, Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân động viên ông Cấp chuyển sang chăm sóc 7.000 trụ tiêu, 1.000 gốc bưởi theo hướng hữu cơ.

Sau khi nghe ngành chức năng hướng dẫn quy trình, ông Cấp thấy việc chăm sóc cây trồng theo hướng hữu cơ bản thân chủ nhà vườn sẽ không phải tiếp xúc với phân bón và thuốc BVTV hóa học, đồng nghĩa sức khỏe sẽ được bảo vệ, vậy là ông gật đầu cái rụp. Từ đó, ông thực hiện mô hình chăm sóc tiêu và bưởi da xanh theo hướng hữu cơ do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Định triển khai.

“Từ khi chuyển sang chăm sóc tiêu, bưởi và sầu riêng theo hướng hữu cơ, tôi được cán bộ HTX Nông nghiệp Thanh Niên Hoài Ân hướng dẫn, theo dõi quy trình canh tác rất kỹ, sản phẩm cây trồng trong trang trại của tôi được tiêu thụ mạnh. Tiêu và bưởi của tôi được HTX Nông nghiệp Thanh Niên Hoài Ân bao tiêu toàn bộ nên tôi chỉ còn mỗi mối lo là làm sao để cây trồng cho năng suất cao nhất, chứ không phải lo đầu ra, đầu óc thanh thản lắm”, ông Cấp phấn khởi.

Năm nay là năm thứ 3 vườn bưởi 1.000 cây của ông Đặng Văn Cấp cho quả. Ảnh: V.Đ.T.

Chính quyền địa phương cùng đồng hành

Theo ông Nguyễn Hữu Khúc, Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, từ năm 2016 đến nay, địa phương đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ cho nông dân tham gia các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Nông dân tham gia các mô hình thâm canh cây ăn quả chủ lực gắn với bao tiêu sản phẩm theo liên kết chuỗi được hỗ trợ cây giống, phân bón. Nhờ đó, chỉ trong thời gian ngắn, những khu vườn tạp trước đây nay đã phủ đầy các loại cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao, nhiều gia đình từng nghèo khó nay đã thoát nghèo, nhiều hộ trở thành tỷ phú.

Đơn cử như trang trại của ông Đặng Văn Cấp sau khi chuyển sang phương pháp canh tác hữu cơ đã được UBND huyện Hoài Ân đầu tư con đường bê tông nối tuyến đường Diêm Tiêu – Kim Sơn đến trang trại và 1 trạm điện cùng hệ thống tưới.

Năm nay thời tiết thuận lợi nên 1.000 cây bưởi của ông Đặng Văn Cấp cho quả rất sai. Ảnh: V.Đ.T.

“Riêng hệ thống tưới tôi được UBND huyện Hoài Ân hỗ trợ đường ống cái phi 140, ống nhánh phi 60, đoạn nhỏ nhất phi 49, còn đường ống kéo đến từng cây trồng thì tôi tự đầu tư mua thiết bị về lắp đặt. Ngoài ra, trang trại của tôi còn được hỗ trợ 2 bồn inox chứa nước, mỗi bồn chứa được 10.000 lít nước để tưới cho cây trồng”, ông Cấp phấn khởi.

Ông Cấp sơ lược quy trình canh tác bưởi theo hướng hữu cơ đang thực hiện: Trong quy trình chăm sóc tuyệt đối không sử dụng phân bón và thuốc BVTV hóa học; phòng trừ sâu bệnh cho bưởi chỉ sử dụng những loại thuốc BVTV sinh học trong danh mục được cơ quan chức năng cho phép; phân bón cũng chỉ sử dụng phân hữu cơ. Khi bón phân, phun thuốc, nhà vườn phải ghi chép nhật ký sản xuất một cách chi tiết ngày nào, liều lượng cho mỗi cây bao nhiêu… Sản phẩm bưởi của Hoài Ân đã được chứng nhận là sản phẩm OCOP nên được thị trường tiêu thụ rất mạnh với giá cao.

Mô hình trồng cây ăn quả hữu cơ của ông Đặng Văn Cấp được chính quyền địa phương hỗ trợ trạm điện để vận hành hệ thống tưới và con đường bê tông dẫn vào trang trại. Ảnh: V.Đ.T.

Sau thời gian dài ông đổ mồ hôi và tiền của xuống trang trại 10ha của mình, nay đã đến thời điểm ông Cấp hưởng thành quả. Hiện 7.000 trụ tiêu cho ông Cấp thu hoạch mỗi năm 14 – 15 tấn hạt. Năm nay giá tiêu nhỉnh hơn so với những năm trước, giá tiêu hữu cơ lại cao hơn tiêu canh tác theo kiểu truyền thống nên cho ông Cấp thu nhập khoảng 1,4 tỷ đồng/vụ. Còn với 1.000 gốc bưởi, nếu ra đúng sức mỗi năm phải cho ông Cấp từ 40 – 50 tấn quả.

“Năm nay tiêu hữu cơ được HTX thu mua với giá 100.000đ/kg, tiêu thường 80.000đ/kg. Những năm trước giá tiêu thấp quá nên tôi giảm mức đầu tư, do đó năng suất năm nay cho thấp, chỉ 2kg/dây tiêu, chứ mọi năm đạt đến 3kg/dây. Còn bưởi năm nay có giá 25.000đ/kg, nếu 1.000 gốc bưởi cho sản lượng đạt chỉ 40 tấn tôi cũng có thu nhập 1 tỷ đồng nữa. Do năm nay tôi hạ tán những cây bưởi để dưỡng cây cho những năm sau nên vườn bưởi cho sản lượng thấp, do đó, ước tổng thu nhập cả tiêu và bưởi chỉ đạt khoảng hơn 1,5 tỷ đồng”, ông Cấp tính toán.

Mô hình cây ăn quả hữu cơ của ông Đặng Văn Cấp được chính quyền địa phương hỗ trợ 2 bồn nước để tưới cây. Ảnh: VĐT.

Theo anh Thái Thành Việt, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Ân, hiện diện tích bưởi trên địa bàn huyện hơn 400ha, trong đó hơn 200ha đã cho quả, sản lượng bưởi năm nay của huyện sẽ đạt khoảng 700 tấn. Vụ bưởi năm nay ở Hoài Ân đã sắp cho thu hoạch nên ngay từ bây giờ, HTX Nông nghiệp Thanh Niên Hoài Ân – đơn vị có trách nhiệm bao tiêu nông sản cho nông dân Hoài Ân đang tập trung lo đầu ra nông dân.

Theo: Vũ Đình Thung – Kim Sơ, Báo Nông Nghiệp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline: 0966.753.735
Chat Facebook
Gọi điện ngay